Cá thu là tên chung áp dụng cho một số loài cá khác nhau chủ yếu là thuộc họ Cá thu ngừ. Chúng sinh sống cả ở các vùng biển nhiệt đới và biển ôn đới. Hôm nay Sói biển sẽ giúp các bạn phân biệt một số loại cá thu, hi vọng bài viết này sẽ giúp ích nhiều cho các bạn trong việc lựa chọn cá thu cho các mon ăn gia đình.

1. Cá Thu Vạch

Cá thu vạch thường được gọi ngắn gọn là cá Thu, có hình dáng thuôn dài, màu xanh sáng bạc và xanh đen, phía lưng sậm hơn dưới bụng. Da cá Thu mỏng, trơn và không vảy, có phân bố một số vạch thẳng đứng màu xanh đen. Cá Thu Vạch có hai vi cứng ở lưng và bụng. Đuôi cá to, xẻ như mũi tên.

Cá Thu Vạch được tìm thấy ở các vùng biển Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nơi trên thế giới. Chúng sinh sản theo mùa, sống tập trung ở các vùng biển ấm, quanh các rạn san hô hay đá ngầm. Khi còn nhỏ, cá Thu Vạch sống theo bầy đàn cùng loài, nhưng khi trưởng thành chúng có xu hướng sống lẫn vào các loài cá khác cùng họ.

Cá Thu Vạch là loại cá lớn trong họ cá Thu, chúng trưởng thành sau 2 năm, chiều dài thông thường trung bình 80cm và nặng 5 kg, nhưng có con dài đến 200cm và nặng 70kg. Chúng ăn mồi chủ yếu là cá nhỏ, mực ống và tôm ở độ sâu 5-40m.

Ở Việt Nam, cá Thu Vạch được đánh bắt quanh năm. Ở phía Bắc, vụ chính từ tháng 4 đến tháng 7 và ở Phía Nam, vụ chính từ tháng 9 đến tháng 4.

Cơ thể cá Thu Vạch nhiều thịt, ít xương, giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100g thịt cá có hàm lượng Cholesterol 36mg; Chất béo 3g; Chất béo bão hòa : 50%; Chất béo Omega-3, EPA 75mg; Omega-3, DHA 281mg; Omega-6, AA 66mg.

 

2. Cá Thu Ngàng hay cá Thu Hũ

Cá Thu Ngàng có cơ thể dài, hình thoi. Mũi của chúng dài bằng 50% chiều dài của cả đầu, nhọn. Răng cá rất khỏe, sắc như dao. Cá không có lược mang. Cá Thu Ngàng có màu xanh lá, lưng óng ánh màu xanh da trời nhạt, màu trắng bạc hai bên thân kèm theo 24 đến 30 đường kẻ sọc màu xanh thẫm, một số sọc ghép lại hoặc có hình chữ Y. Khi chúng chết, màu sắc của cơ thể phai rất nhanh.

 

Cá Thu Ngàng sống ở các biển nhiệt đới, xa bờ, độ sâu tối đa là 15m. Chúng sống đơn độc, đôi khi tìm thấy một nhóm chỉ 2-3 con. Chúng thích ăn cá và mực ống. Chúng phát triển rất nhanh, một con 5kg trong 1 năm có thể trọng lên đến 15 kg. Kỷ lục thế giới đã được xác lập với con cá Thu Ngàng có trọng lượng lên đến 83,5 kg.

Rất nhiều tay câu cá thể thao xem cá Thu Ngàng là mục tiêu cho sự thách thức bản thân do cá Thu Ngàng là loài cá có tốc độ chạy thuộc hàng nhanh nhất đại dương (97km/h).

Thịt cá Thu Ngàng có màu trắng xám, được các thực khách sành ăn đánh giá rất cao, có hương vị tựa như cá Thu vạch (Spanish Mackerel). Hàm lượng dinh dưỡng có trong 100g cá Thu Ngàng phân bổ như sau: Calories167; Chất béo 9,36 g; Chất béo bão hòa: 2,44g; Cholesterol : 64 mg; Selenium : 39 mg; Sodium : 78 mg; Protein: 19,32 g

Ở Việt Nam, cá Thu Ngàng được khai thác quanh năm, chính vụ từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau tại các vùng biển miền Trung và Đông Nam Bộ.

 

3. Cá Thu Đao

Loài cá trong họ cá Thu này được đánh bắt từ mùa Thu đến giữa mùa Đông ở Nhật Bản. Chúng có rất nhiều tên gọi khác nhau như Sanma, hoặc Mackerel Pike, Pacific saury (tên khoa học: Cololabis saira); Saira hay Banjyo. Thịt cá đỏ rất giàu Protein. Đúng mùa vụ, thịt cá còn có nhiều mỡ, vị rất ngọt.

 

Cá Thu Đao được đánh bắt chủ yếu ở phía bắc bờ phía đông của Nhật khi cá bơi xuống từ Hokkaido. Cá Thu Đao có miệng nhỏ, cơ thể thon dài, một số vây phụ nhỏ nằm giữa lưng và hậu môn. Cá có màu xanh đậm trên lưng và màu bạc dưới bụng, ở hai bên cơ thể có những vệt sáng màu xanh rất nhỏ được phân bố một cách ngẫu nhiên. Cá Thu Đao có chiều dài trung bình từ 36 đến 41cm. Tuổi thọ tối đa là 2 năm.

Thịt của cá có chứa protein chất lượng cao, dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ, giàu axit béo không bão hòa như EPAvà DHA, hỗ trợ trong công tác phòng chống bệnh tim.

 

4. Cá Thu chấm

Là loài cá sống ở các vùng nước gần bờ có độ sâu 15 – 200 mét, thỉnh thoảng được tìm thấy ở vùng cửa sông nước đục, nhưng không nhiều. Cá Thu Chấm ăn cá nhỏ (cá mòi, cá chim), mực ống và động vật giáp xác (như tôm, cua, ghẹ…). Chúng sống đơn độc không theo bầy đàn. Con cá trưởng thành có trọng lượng lên đến 45kg. Chúng được xem là chiến binh mạnh mẽ của biển cả. Khi bị mắc câu, chúng có xu hướng nhảy vọt lên khỏi mặt nước và tìm cách trôn thoát. Các tay câu cá thể thao thường câu chúng bằng kiểu câu Trolling (kéo mồi theo tàu đang chạy để dụ chúng), hay câu bằng mồi giả.

Ở Việt Nam, cá Thu chấm được khai thác quanh năm ở vùng Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ và Đông & Tây Nam Bộ bằng các ngư cụ lưới rê, kéo đáy, câu, đăng.

 

 

Tìm hiểu thêm các tin bài khác:

>> 5 món ngon không thể bỏ qua từ cua biển

>> Phân biệt các loại cá biển như thế nào?

>> Các cách chọn mua thực phẩm.

Thông báo like, +1, bình luận

Bình luận trên Facebook